Kinh nghiệm xây nhà ở Huế

Anh chị làm nhà hết bao nhiêu tiền? Ai hay đơn vị nào làm? Sử dụng vật liệu gì ở đâu? Giá có rẻ không? Quá trình làm nhà có gặp vấn đề gì không?….Rất nhiều câu hỏi mà thường đa số những người chuẩn bị xây nhà sẽ tham khảo kinh nghiệm xây nhà ở Huế của người đã làm. Hầu hết mọi người sẽ đi tham khảo, tìm hiểu hoặc bằng các mối quan hệ nào đó để tiếp cận được nguồn thông tin, từ đó tự phân tích và đưa ra những lựa chọn cho mình. Tuy nhiên, không phải nhà ai cũng giống ai, đầu tư nào cũng như nhau, liệu có hợp lý với Bạn không? Đó mới là vấn đề.

Vậy Bạn cần tìm kiếm những kinh nghiệm gì trước khi xây nhà ở Huế. Với những kinh nghiệm làm việc và tiếp xúc với khách hàng Chúng tôi thấu hiểu điều đó. Những điều mà Chúng tôi chia sẽ dưới đây là những kinh nghiệm cũng như kiến thức tích lũy trong suốt thời gian phục vụ khách hàng của Chúng tôi ở Huế.

Kinh nghiệm xây nhà ở Huế đó là

Đầu tiên để xây nhà bạn cần phải có đất, đất có thể là bố mẹ để lại hay bạn bỏ tiền ra mua. Với trường hợp đất bố mẹ thì chúng tôi không bàn tới. Nhưng đối với việc mua đất thì các bạn cần phải cân nhắc đủ thứ: vị trí có thuận lợi không? giá tiền vừa túi tiền của bạn, phong thủy mảnh đất có tốt không? Thủ tục giấy tờ có đảm bảo không tranh chấp hay vướng bận gì không? … Các bạn cần chú trọng phần này thì mới tính đến triển khai xây nhà nhé. Thêm một điều quan trọng đó là các bạn cũng nên đưa ra tiêu chuẩn để chọn đất phù hợp, ví dụ như: bạn muốn xây nhà chừng nào, có cần mặt tiền rộng không… để chọn diện tích đất phù hợp.

Sau khi bạn đã có đất rồi thì cần chuẩn bị các bước sau đây:
Bước 1. Chuẩn bị bản vẽ và hồ sơ cấp phép

Bản vẽ thiết kế xây dựng: Phần này vô cùng quan trọng mà 100% khách hàng hiện nay không thể bỏ qua.

Vì sao chúng tôi lại nói như vậy?

Thứ nhất: Đối với việc xin cấp phép, các bạn cần có một bản vẽ thiết kế cũng như bộ hồ sơ xin cấp phép xây dựng (trong hồ sơ quan trọng nhất là bản vẽ thiết kế), chỉ khi bạn được Sở Xây dựng hoặc UBND Phường hoặc TP cấp phép lúc đó mới được tiến hành các thứ tiếp. Việc xin cấp phép cũng không hề đơn giản, khó khăn ở đây là các thủ tục hành chính (việc này ai cũng nảng đúng không). Khi các bạn đã thuê cho mình một đơn vị thiết kế thì việc hoàn thành hồ sơ và kiêm luôn làm việc với các bên để làm cho bạn thủ tục cấp phép xây dựng. Hiện nay, gần như 100% đơn vị trên địa bàn đều có hỗ trợ phần này khi các bạn thuê họ thiết kế. Các bạn hoàn toàn yên tâm khi các đơn vị này đã có mối quan hệ và cũng như kinh nghiệm, đầu mối để việc cấp phép được chấp hành sớm nhất cho các bạn. Nếu có vấn đề về hồ sơ các bạn cần phối hợp với họ để xin cấp phép được nhanh hơn.

Thứ hai: Đối với chủ nhà là chính các bạn, việc có một bản vẽ thiết kế giúp các bạn có cái nhìn tổng thể về bố cục, kết cấu và chi tiết triển khai ngôi nhà của mình. Dựa vào bản vẽ các bạn có thể triển khai mong muốn bố trí không gian của mình, có dự toán hợp lý, theo dõi tiến độ, căn cứ giám sát đơn vị thi công, vật tư và vật liệu làm nhà…

Bước này vô cùng quan trọng vì vậy nếu các bạn không phải là dân chuyên môn thì chúng tôi khuyên rằng, các bạn nên chọn một đơn vị về thiết kế kiến trúc và giao cho họ hoàn thiện bản vẽ và kiêm luôn phần hồ sơ xây dựng cho các bạn. Các bạn yên tâm họ sẽ triển khai dựa trên nhu cầu và mong muốn của các bạn, và chịu sự giám sát của các bạn.

Một điểm nữa mà đa phần khách hàng chúng tôi gặp phải đó là việc chuẩn bị một bản vẽ thiết kế nội thất ngay từ đầu. Ở đây không phải đơn vị thiết kế không triển khai theo bộ hồ sơ thiết kế ban đầu mà có nhiều lý do, có thể bản vẽ họ không trau chuốt, hoặc đơn vị chỉ chuyên về kiến trúc nên không thực hiện tốt bản vẽ nội thất. Việc chuẩn bị bản vẽ nội thất ngay từ đầu giúp đảm bảo tính liền mạch trong kỹ thuật từ việc xây dựng đến khi hoàn thiện nội thất, tránh những sự cố về đập phá, làm thêm, thay đổi các chi tiết phụ như ổ điện, bố trí thiết bị… Nhiều khách hàng đã tìm đến chúng tôi ở giai đoạn sau khi triển khai phần xây dựng. Lúc này họ lại tốn thêm một lần triển khai bản vẽ nội thất và đôi khi có sự lệch so với phần xây dựng đã triển khai, đòi hỏi các chủ nhà phải mất thêm một phần chi phí khắc phục.

Bản vẽ nội thất cũng không kém phần quan trọng. Khi phần xây dựng đã tốt, nếu bạn không quan tâm tốt phần nội thất thì bạn vẫn chưa xong việc làm nhà. Việc chuẩn bị tốt bản vẽ nội thất ngay từ đầu giúp bạn tiết kiệm được kinh phí, chủ động trong phong cách nội thất nhà mình mong muốn. Bạn có sự lựa chọn chủ động hơn trong kinh phí đầu tư, tìm kiếm nguồn vật liệu, tái sử dụng một số nội thất có sẵn…

Việc có đơn vị kiến trúc và nội thất triển khai bản vẽ cho các bạn sẽ đảm bảo về cả yếu tố kết cấu, kỹ thuật, chi tiết vật liệu cần dùng, loại nào, sử dụng bao nhiêu, tiêu chuẩn phù hợp….
Kinh nghiệm xương máu của chúng tôi là: những gì làm theo thiết kế thì nói chung không xảy ra vấn đề gì. Nhưng những gì có tranh cãi rồi làm thay đổi thiết kế thì rất nhiều chỗ có vấn đề, sự ảnh hưởng liên đới. Tốt nhất nếu Bạn thật sự phải thay đổi thì nên đàm phán với đơn vị hay người thiết kế, họ sẽ đưa ra đề xuất tốt nhất thỏa mãn yêu cầu của Bạn (vì Bạn không thể biết hết được những vấn đề phát sinh về mặt kỹ thuật, phải có người tư vấn cho mình là tốt nhất).

Khi thiết kế tốt nhất họ sẽ tư vấn luôn mảng hoàn thiện cho mình như: Chọn gạch màu gì, cửa loại gì, sơn màu gì… Nếu tài chính với bạn không là vấn đề quá lớn và muốn làm đồng bộ thì nên thuê cả thiết kế nội thất luôn và thuê họ làm hoàn thiện luôn.

Bước 2: Xem tuổi, xem ngày giờ để triển khai.

Việc xem tuổi và ngày giờ là việc cần lưu ý (cực kỳ quan trọng trong kinh nghiệm xây nhà ở huế mà chúng tôi chia sẽ) cái này thì tùy các bạn nữa. Nhưng chúng tôi khuyên rằng “có kiên có cử có thiên có lành”, “thuận trời thuận đất thì việc sẽ thành”. Để xem ngày tốt hay xấu, có thuận hay không thì các bạn phải tìm cho mình một thầy phong thủy, ở Huế hay gọi thầy xem đất, xem tuổi. Theo chúng tôi có mấy ngày quan trọng nhất cần xem: ngày phá dỡ nhà, động thổ, cất nóc và nhập trạch. Nên làm theo những gì “thầy” bảo. Ngoài ra, còn rất nhiều thứ nữa nhưng tùy vào các bạn nhé. Còn chúng tôi là nhà thiết kế luôn chú trọng đến các điểm phong thủy, làm sao để không ảnh hưởng đến cuộc sống của gia chủ.

Bước 3: Chọn đơn vị thi công và hoàn thiện.

Theo kinh nghiệm xây nhà ở Huế chúng tôi cập nhật được thường sẽ có các trường hợp sau đây cho các bạn lựa chọn.

Trường hợp 1: Các bạn tự thuê nhóm thợ thi công và tự giám sát

Có hai hình thức thuê: tính công và khoán. Với hình thức tính công hiện nay rất ít người chọn, chủ yếu là một số nhà cơ bản tiêu chuẩn thấp và kinh phí hạn hẹp họ phải tận dụng công thợ nhà. Với hình thức khoán, thông thường tiền công khoán tính theo m2 sàn. Cứ tính xem bao nhiêu m2 bê tông sàn từ tầng dưới lên rồi nhân theo đơn giá. Có hai hình thức khoán: khoán toàn bộ và chỉ khoán công. Nếu mình không có người giám sát hàng ngày thì có thể khoán toàn bộ, nghĩa là họ lo cả vật liệu cho mình luôn. Nhưng với hình thức này cần phải làm rất rõ xem trách nhiệm của thợ phải làm đến đâu. Chỉ khoán xây thô hay cả hoàn thiện, nếu hoàn thiện thì hoàn thiện đến hạng mục nào…. (Nếu xây thô thì thường đơn giá khoản 3-5 triệu/ m2). Nếu tính cả hoàn thiện thì khoảng 5-10 triệu /m2. Tuy nhiên thông thường thì mọi người dùng hình thức khoán công. Công xây thô vào khoảng 800k-1000k / m2.

Ở trường hợp này, việc giám sát thường giao lại cho một người thân cận, nhưng cũng chỉ giám sát vật liệu, công tác kết nối xử lý việc vặt thôi, chứ hoàn toàn không có vai trò giám sát về tiêu chuẩn kỹ thuật công trình được, vì không có chuyên môn.

Chúng tôi khuyên rằng các bạn không nên chọn trường hợp 1, vì có rất nhiều rủi ro xảy ra, bạn cứ tham khảo người thân quen đã làm nhà rồi sẽ rõ.

Trường hợp 2: Giao hẳn cho đơn vị thầu trọn gói.

Có thể đơn vị mà bạn chọn ngay từ khâu lên bản vẽ hoặc một đơn vị mới. Tùy vào mức độ đánh giá và tin tưởng của bạn đối với đơn vị đó. Các bạn nên xem qua các công trình mà đơn vị đó đã thi công, xem ít nhất 2 – 3 nhà nhé, và đừng quên tham khảo đánh giá của những chủ nhà đã được đơn vị đó thi công. Về giá cả thì các bạn không nên quá đinh nghi là cao hay thấp, mà hãy xem vào tiêu chuẩn chất lượng công trình mà họ báo giá, hợp đồng càng rõ ràng thì bạn sẽ kiểm soát được đơn giá tốt nhất.

Ở trường hợp 1 và 2 thì bạn chỉ mới tính ở phần xây dựng và hoàn thiện, các bạn phải tính thêm phần nội thất nữa nhé bằng phương án thuê đơn vị thiết kế và thi công nội thất hoặc dùng nội thất mua sẵn.

Ưu điểm của trường hợp 2: Bạn có thể tham gia giám sát toàn bộ quá trình triển khai, kết hợp với kỹ thuật giám sát của các đơn vị sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều. Bạn có thay đổi hoặc điều chỉnh hoặc phát hiện ra những sai sót để kịp điều chỉnh hoặc thay đổi phù hợp hơn. Mọi vấn đề xử lý sẽ được linh hoạt và đảm bảo được mặt kỹ thuật. Đồng thời việc chọn đơn vị uy tín từ đầu bạn sẽ nắm được cụ thể đơn giá, tiêu chuẩn kỹ thuật và vật liệu đã thống nhất theo hợp đồng. Bạn chỉ cần căn cứ vào hợp đồng để giám sát và xử lý, điều này giúp bạn tiết kiệm được thời gian rất nhiều, thay vì chọn trường hợp 1 các bạn phải mất thời gian giám sát nhưng không hiệu quả do sự không rõ ràng và phương án không được chốt trước, đội thợ thầu thiếu năng lực càng khiến bạn điên đầu theo.

Nhược điểm đó là các bạn vẫn còn mất thời gian để giám sát, lựa chọn và theo dõi ở một số khâu quan trọng.

Trường hợp 3: Chìa khóa trao tay

Đây là phương án xu hướng trong tương lai. Bạn chỉ cần chuẩn bị bước 1 thật kỹ thì mọi việc sẽ xong khi bạn cầm chìa khóa trên tay thì nhà đã xong.

Phương án này, một đơn vị sẽ đứng ra ký hợp đồng với bạn tất tần tật mọi thứ và sản phẩm là một căn nhà hoàn thiện vào ở ngay, chứ bạn không phải mất công chọn đơn vị rồi vật liệu… Nói như vậy không hẳn là quá khỏe cho các bạn. Những điểm mấu chốt ở đây là các bạn phải có đủ thông tin và khả năng làm việc với đơn vị này. Việc chuẩn bị ngay ở bước 1 đòi hỏi các bạn phải làm việc kỹ hơn, vì tất cả mọi thứ sẽ được chốt theo hợp đồng khi ngôi nhà của bạn chưa triển khai, bạn phải đủ khả năng phân tích đánh giá để đưa ra quyết định của mình.

Suốt thời gian đơn vị triển khai xây dựng và hoàn thiện bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian giám sát. Tuy nhiên việc này chính là nhược điểm, nếu chọn đơn vị không chất lượng thì rất nhiều sai số sẽ xảy ra.

Chia sẻ thêm một điểm các bạn tránh nhầm lẫn, chìa khoa trao tay không phải là đơn vị đó sẽ làm trực tiếp mọi việc để hoàn thành nhà cho bạn nhé, mà là họ là đơn vị chịu trách nhiệm hợp đồng với bạn, mọi sai phạm trong tất cả họ là người chịu với bạn. Tất nhiên họ phải đủ năng lực thay bạn giám sát rất nhiều mảng. Để xây hoàn thiện một căn nhà đòi hỏi rất nhiều nguồn lực và lĩnh vực ngành nghề khác nhau, đơn vị này chỉ đứng ra chịu trách nhiệm với bạn mọi thứ, để cho bạn khỏi mất thời gian giám sát tất cả (bạn chưa hẳn đã nắm rõ kỹ thuật để giám sát). Ở đơn vị này họ sẽ có đội ngũ giám sát có năng lực tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên việc thi công trực tiếp thì họ sẽ nắm lại một số phần nhất định. Vì vậy nếu các bạn đủ năng lực và giúp tiết kiệm và hạn chế sai số thì bạn có thể chia nhỏ ra từng gói để giao lại như trường hợp 2 nhé (Ở Huế hiện tại năng lực đơn vị còn hạn chế, chứ không phải trường hợp 3 là không tốt nhé).

Bước 4: Hoàn thiện nội thất và dọn vào ở

Phần thiết kế mình sẽ không nói nữa, các bạn xem lại ở bước 1. Ở đây Chúng tôi sẽ phân tích ở việc thi công nội thất và lắp đặt thiết bị hoàn thiện mọi thứ.

Cũng như phần thi công hoàn thiện các bạn cũng có các phương án tự thuê lại từng gói nhỏ hoặc giao lại cho một đơn vị. Hoặc nội thất bổ sung hàng bán sẵn.

Chúng tôi khuyên bạn nên thống nhất từ đầu là chọn đơn vị chuyên từ khâu thiết kế đến thi công nội thất, để đảm bảo tính liền mạch phong cách mà bạn đã chọn từ đầu. Tránh trường hợp kiến trúc theo một phong cách mà nội thất một phong cách khác hoặc pha trộn nhiều phong cách thiếu tính thẩm mỹ.

Nếu bạn chọn được đơn vị thiết kế nội thất ngay từ những bước đầu thì điều này rất tốt. Chúng tôi khuyên các bạn nên như vậy. Mời các bạn tham khảo mẫu thiết kế nội thất tại Nội Thất Song Nguyễn.

Phần thiết kế nội thất sẽ triển khai sớm trước hoặc song song với xây dựng sẽ đảm bảo cho các bạn sự lựa chọn về vật liệu, bố trí, màu sắc, phân đoạn triển khai liên quan đảm bảo kỹ thuật….Kết hợp các phần điện, nước để bố trí nội thất vào sẽ hợp lý từ khâu bản vẽ. Đặc biệt, nếu có đơn vị nội thất tách biệt đơn vị kiến trúc sẽ là sự lựa chọn rất có lợi cho chủ nhà, sự quản lý giám sát hai bên sẽ phần nào giúp bạn đỡ lo về phần kỹ thuật và đảm bảo công trình chất lượng tốt hơn, như kiểu giám sát chéo nhé, các bạn nên áp dụng phương thức này.

Kinh nghiệm của chúng tôi khi xử lý rất nhiều cho chủ nhà, khi triển khai nội thất sau khi đã có phần xây dựng thô, gặp các tình cảnh trớ trêu khi phần xây dựng thô không được kiểm soát tốt, hoặc các phần bố trí điện và nước rất bất hợp lý, hoặc các gia chủ rất khó thay đổi thiết bị khi muốn sử dụng những dòng mới lạ hơn. Rất rất nhiều thứ mà các bạn cần phải có đơn vị thiết kế nội thất, chúng tôi sẽ chia sẻ ở chủ đề riêng để phân tích sâu hơn.

Trên là 3 bước quan trọng giúp bạn có kiến thức và kinh nghiệm xây nhà ở Huế. Tuy nhiên việc làm nhà còn rất nhiều thứ mà bạn phải tìm hiểu, căn cứ 3 bước chính trên các bạn cần triển khai tìm hiểu sâu hơn ở từng bước để có đủ thông tin, phân tích và đưa ra sự lựa chọn hợp lý cho mình.

Chia sẻ thêm cho các bạn những kinh nghiệm xương máu khi xây nhà ở Huế.

Giá cả vật liệu xây dựng

Kể cả bạn thuê trọn gói hay thuê công và mua vật liệu thì bạn cũng nên chọn nơi cung cấp vật liệu, giá cả hợp lý. Nếu nhà nhỏ không để được nhiều vật liệu (cát, đá, xi măng…) thì bạn nên chọn nơi cung cấp gần nhà để có thể luôn có sẵn sàng vật liệu. Về sắt thì nên lựa chọn kỹ (cái này liên quan đến thiết kế kết cấu nữa). Trong số vật liệu thô thì sắt là đắt nhất, thế nên bạn cũng nên tìm hiểu trước khi chọn nơi mua, đàm phán đầy đủ về giá cả (kể cả vận chuyển).

Chuẩn bị giấy tờ, xin giấy phép

Về lý thuyết thì bạn cần lên xin phép ở Phường hoặc TP. Tuy nhiên nếu nhà ở trong ngõ, ngách nhỏ thì bạn có thể liên phường để xin phép (không chính thức). Nếu bạn có đầy đủ sổ đỏ, giấy tờ và lúc xây không muốn lấn ra một chút không gian nào thì cứ đường đường chính chính lên Tp để xin. Tuy nhiên kiểu gì thì bên xây dựng Phường cũng vào “xin” bạn ít tiền thôi. Đơn vị thiết kế thường bao luôn xin giấy phép cho bạn.

Trao đổi với các bên liên quan

Đó là hàng xóm xung quanh, nếu khu dân cư có hiện hữu. Thứ nhất là thông báo bạn xây nhà nên có thể có vấn đề vật liệu bẩn, thợ đến làm…ảnh hưởng đến sinh hoạt xung quanh. Thứ hai là nói rõ việc bạn xây xướng thế nào (ảnh hưởng đến họ) tránh việc đang xây thì xảy ra tranh chấp, tranh cãi… Trong trường hợp xây nhà có thể ảnh hưởng đến nhà bên cạnh thì phải chuẩn bị phương án đề phòng chống (sụt lún, nứt…).

Vấn đề nữa là bạn xem nếu có khả năng ảnh hưởng cao thì bạn nên xem những phần liên quan xem có bị nứt lún gì chưa (nếu có thì chụp ảnh, lập biên bản trước làm bằng chứng). Thông thường rất hay xảy ra tranh chấp, thế nên bạn chuẩn bị sẵn giấy tờ liên quan (Khi cần là có ngay) và chụp lại ảnh hiện trạng nhà hiện tại để làm bằng chứng sau này.

Giám sát vật liệu, xây dựng

Trong quá trình xây dựng bạn nên theo sát việc xây dựng, có thể tùy vào trường hợp mà bạn chọn ở trên chúng tôi đã phân tích. Trường hợp các bạn giao lại cho đơn vị hoặc trọn gói thì cũng nên bỏ thời gian để giám sát. Nếu được thì 2-3 lần /Tuần, hoặc nhiều hơn tùy theo giai đoạn, giai đoạn phần móng lên thì bạn cần giám sát kỹ nhé. Việc bạn giám sát sẽ đảm bảo tốt cho cả hai bên. Phía bạn thì có thể phát hiện được sai sót hoặc có thể điều chỉnh những bất cập kịp thời, nhưng cần phải trao đổi ngay với kỹ thuật của đơn vị thiết kế thi công để có hướng điều chỉnh thích hợp nhất. Tránh trường hợp bạn thay đổi quá nhiều hoặc không hợp lý sẽ kéo theo hệ lụy các hạng mục liên quan.

Đối với đơn vị thi công, thì họ cũng an tâm và vui hơn khi chủ nhà có quan tâm đến quá trình đơn vị thi công (nếu được bạn nên quan tâm đến đội thợ trực tiếp thi công tại nhà bạn), kịp thời trao đổi một số vấn đề phát sinh gây ảnh hưởng hoặc ách tắt. Một nguyên tắc đó là bất kỳ sự thay đổi hay phát sinh nào phải được thỏa thuận rõ ràng giữa chủ nhà và đơn vị thi công và đưa vào bổ sung phụ lục hợp đồng, để tránh những tranh cải không đáng có xảy ra và đảm bảo quyền lợi giữa hai bên.

Hệ thống nước

Về cấp nước, hiện tại hầu hết mọi người lựa chọn phương án dùng ống dán nhiệt. Có nhiều loại như ống của Vesbo là phổ biến nhất. Cũng có một số loại rẻ hơn cũng như có một số loại tốt và đắt hơn. Nước thì bạn nên đưa phương án cho thợ nước để họ làm, có những phòng nào, mỗi phòng có những thiết bị gì, có ý định sử dụng bình năng lượng mặt trời không, đường nước nóng cần cấp cho vị trí nào, cho lavabo, chậu rửa bát không… Về thoát nước thì có 2 kiểu: nổi và chìm. Nổi tức là thoát nước nằm trên sàn. Mình sẽ đổ cát lên sàn để có không gian đặt ống thoát. Cách này thường khó bảo trì, sửa chữa hơn. Thoát chìm là đặt ống thoát dưới sàn, cách này tuy dễ sửa chữa hơn nhưng có nhược điểm là phải làm trần giả ở tầng dưới (do ống thoát nước nằm dưới sàn, lộ rõ ở tầng dưới), ngoài ra cái này cần phải tính ngay ở khâu thiết kế. (cách làm thoát chìm chi phí cao hơn chút xíu nhưng vẫn đảm bảo dễ sửa chữa hơn nên chọn cách đó). Ngoài ra vị trí đặt hộp kỹ thuật (là hộp chưa ống cấp, thoát nước) cũng nên được xác định trước ở phần thiết kế, hộp kỹ thuật nên đặt thẳng từ trên nóc xuống dưới nhà. Ngoài ra nước cũng sẽ liên quan đến thiết bị VS rất nhiều.

Thiết bị vệ sinh

Có rất nhiều lựa chọn cho bạn như: Toto, Inax, American Standard, Caesar, Viglacera và một số loại cao cấp nữa. Vì thiết bị vệ sinh cũng khá đắt và khá chênh lệch nên tùy thuộc vào túi tiền của mỗi người có thể lựa chọn loại thiết bị cho phù hợp. Khi đi mua hàng nhớ hỏi giá chính hãng và chiết khấu (thông thường mỗi hãng có một catalog bảng giá, mình sẽ mua với giá đã được chiết khấu so với giá đó, thường là vài phần trăm – hàng càng đắt tiền thì chiết khấu càng cao). Ngoài ra khi chọn thiết bị VS bạn cần chọn những thiết bị nào phù hợp với thiết kế nhà bạn (kích thước, màu sắc, kiểu dáng…). Giá ống nước cũng không phải rẻ, bạn cũng có thể đàm phán giá chiết khấu: có thể là 5-10%.

Hệ thống điện

Về điện thì quan trọng nhất là việc đi dây. Thường có thể đi dây có gen (gen cứng là ống như PVC), gen mềm (ống thoát điều hòa). Tùy thuộc vào công suất sử dụng mà bạn chọn loại tiết điện dây điện cho phù hợp. Ví dụ như nhà tôi chọn dây 4mm cho dây tổng, 2.5mm cho dây nguồn, 1.5mm cho dây đèn. Về ổ và phích điện bạn có thể chọn loại phù hợp. Riêng ổ điện bạn nên chọn loại ổ có chân cắm đa năng rất thuận tiện. Aptomat bạn nên chọn công suất phù hợp với đồ dùng của bạn. Ngoài ra bạn nên chọn loại Aptomat chống rò. Khi hỏi giá nhớ yêu cầu đưa bảng giá bán lẻ và hỏi về chiết khấu. So sánh vài nơi rồi hãy mua. Đặc biệt, hiện nay trên thị trường rất phổ biến về điện thông minh, các bạn có thể tìm hiểu thêm về công năng và lắp đặt để có thêm sự lựa chọn phù hợp.

Hệ thống đèn chiếu sáng

Trong nhà thì có một số loại đèn cho chiếu sáng phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, cầu thang, nhà vệ sinh, trước cửa, sân thượng. Đèn cửa và sân thượng thì tùy mỗi nhà, đèn cầu thang, vệ sinh có thể ra một số cửa hàng đèn lựa chọn kiểu dáng cho phù hợp. Đèn phòng khách, phòng ngủ và phòng ăn tùy mỗi nhà. Có thể lựa chọn kiểu đèn tàu có nhiều kiểu dáng mà giá rẻ. Nếu có nhiều tiền hơn thì bạn có thể chọn những loại đèn có thương hiệu cũng có rất nhiều lựa chọn.

Về bóng đèn thì thường có mấy loại bóng sợi đốt (loại này khá tốn điện nhưng màu sắc trung thực), bóng huỳnh quang, compact (loại này giá cả trung bình, ít tốn điện nhưng ánh sáng không tốt cho mắt), đèn Halogen (Tốn điện, tỏa nhiệt nhiều, thường dùng cho đèn trang trí), đèn LED (loại này ánh sáng trung thực, tiết kiệm điện hơn cả đèn compact, ánh sáng cũng không hại như đèn compact nhưng lại khá đắt). Đa số khách hàng thường chọn bóng LED để sử dụng. Phòng khách dùng đèn LED downlight khá sáng, phòng ngủ cũng dùng đèn downlight nhưng dùng ánh sáng vàng, ngoài ra có thể dùng đèn tuýt LED. Nếu chọn đèn LED thì nên chọn nơi có uy tín để có thể bảo hành được (thường có bảo hành 1-2 năm). Tham khảo giá đèn downlight giá 170k/bóng (7W), đèn tuýt LED (18W) giá 550k/bóng. Chú ý nếu chọn đèn downlight LED nên chọn loại bóng có kính mờ che sẽ cho ánh sáng đều cả phòng, dùng đèn downlight thì phải dùng trần giả.

Gạch ốp, lát

Gạch lát có 2 loại granite và ceramic. Gạch granite chất lượng tốt hơn, ít bám bẩn và khó bị xước, vỡ nhưng giá thì đắt hơn, kiểu dáng cũng ít hơn. Về Thương hiệu thì có nhiều loại như Đồng Tâm, Prime, gạch tàu, gạch ngoại khác… Gạch trong nước thì Thạch Bàn chất lượng tốt nhất nhưng kiểu dáng không có nhiều, Đồng Tâm kiểu dáng nhiều hơn, Prime thì là gạch bình dân hơn, ngoài ra gạch tàu cũng có nhiều loại và đẹp (chất lượng thì không rõ). Ngoài ra còn rất nhiều gạch rẻ tiền cũng như đắt tiền khác nữa. Gạch lát nền người ta thường dùng kích thước 40x40cm, 60x60cm hoặc 80x80cm (càng to càng đắt).

Đá cầu thang, bàn bếp

Đá cầu thang có một số loại như: Đá Granite tự nhiên, đá nhân tạo trung cấp và cao cấp, đá marble. Đá Marble thường chỉ dùng ốp vì không đủ độ cứng, đá nhân tạo trung cấp thường không có chất lượng tốt. Đá granite dùng tốt cho các hạng mục cầu thang, len cửa, bàn bếp… Riêng đối với dòng đá nhân tạo cao cấp Hàn Quốc và đá gốc thạch anh đang là sự lựa chọn cao cấp cho nhưng chủ nhà đầu tư cao. Các bạn có thể tham khảo thêm tính năng nổi bật của dòng đá này tại đây.

Tay vịn cầu thang

Tay vịn cầu thang có thể chọn một số loại như bằng sắt, Inox, gỗ, dây… Tay vịn cầu thang chỉ có chú ý nhỏ là mọi người nên lựa chọn kiểu dáng nào để trẻ con không thể lọt qua được.

Cửa

Có nhiều loại vật liệu làm cửa như gỗ, sắt, inox, nhôm – kính, nhựa, nhựa lõi thép. Tùy mỗi nhà thì chọn loại vật liệu phù hợp.

Gỗ thì phù hợp nhất nhưng thường giá cao nên giờ thường người ta chỉ dùng làm cửa chính. Gỗ làm cửa cũng có nhiều loại gỗ nhưng phổ biến là Lim Lào, Lim Nam Phi, Chò, Dổi… Giá tham khảo nhé Lim Nam Phi làm cửa giá là 2100k/m2 (không có khuôn).
Sắt thì rẻ tiền, chắc chắn nhưng không bền, thỉnh thoảng phải sơn lại. Giá của cửa sắt vào khoảng hơn 1 triệu/m2 tùy thuộc vào chất lượng, độ dày của sắt… Thường cửa sắt làm cửa chính hoặc cửa sân thượng.
Inox thì nhẹ nhưng không được chắc chắn lắm, giá trung bình khoảng 1500-2000k/m2, tuy nhiên nếu không sơn tĩnh điện thì màu sắc nguyên thủy của Inox không được đẹp lắm. Nói chung cũng không nhiều người dùng cửa INOX.
Nhôm kính có nhiều loại nhưng hầu hết không làm cửa đi được có thể làm cửa thông phòng, cửa sổ, cửa vệ sinh. Loại thông thường giá khoảng 750k/m2. Nhôm có thương hiệu thì giá đắt hơn, tùy thuộc vào từng loại và kích thước của cửa, giá rơi vào khoảng 1200k-2000k/m2.
Nhựa lõi thép: Ưu điểm của nhựa lõi thép là nhẹ, chắc chắn, cách âm tốt. Có rất nhiều loại cửa nhựa lõi thép. Những loại có thương hiệu như Eurowindow (khá đắt). Những loại cửa ngoài thường là hàng trung quốc hoặc hàng Việt Nam sản xuất, giá vào khoảng 1500-2500k/m2. Cửa nhựa lõi thép có thể dùng làm cửa chính, cửa thông phòng, cửa sổ.
Cửa nhựa: Nhìn chung chất lượng không tốt bằng những loại trên nhưng bù lại thì giá cửa nhựa thường thấp hơn cả (thường giá khoảng 400-500k/m2). Thường cửa nhựa chỉ dùng làm cửa phòng vệ sinh hoặc cửa thông phòng

Hoa cửa sổ

Hoa cửa sổ bây giờ thường sử dụng hai loại vật liệu sắt và Inox. Hoa Inox thì mình không rõ giá cả. Hoa sắt có hai loại: sắt đặc và sắt hộp. Thường mọi người sử dụng loại sắt Ф12-14mm. Với sắt hộp thì mọi người thường dùng Ф14-16mm. Giá của hoa sắt hộp thường vào khoảng 350-400k/m2 (tùy thuộc vào kiểu dáng hoa sắt).

Trần thạch cao

Trần thạch cao có nhiều nhưng thường hay sử dụng nhất là tấm thạch cao của Thái, và khung xương của Vĩnh Tường (ngoài ra có thể có tấm chống ẩm nữa). Tùy thuộc vào kích thước trần mà giá cả của trần thạch cao có thể khác nhau. nhưng nếu làm trần phẳng thì giá vào khoảng 160-220k/m2. Nếu làm trần giật cấp thì giá cũng không khác biệt nhiều, chủ yếu là số lượng thạch cao cần sử dụng sẽ tăng lên.

Sơn

có nhiều loại sơn giá cả rất khác nhau, nhưng thông thường những loại sơn hay được sử dụng là Delux, Jotun, Kova… Mỗi hãng sơn cũng có rất nhiều loại, nhưng chủ yếu sự khác biệt là sơn trong nhà. Sơn ngoài trời thường nên chọn loại sơn tốt để chống thấm. Sơn trong nhà thì cần phải sơn 2 loại: sơn lót & sơn màu. Sơn lót màu trắng, nếu có thể nên chọn loại sơn lót tốt & quét 2 lớp sơn lót là tốt nhất. Sơn màu thì tùy thuộc vào yêu cầu của mỗi người có thể chọn loại phù hợp. Còn giá sơn tường thường phân ra làm 2 nhóm: sơn nhà & sơn ngoài trời. Sơn trong nhà khoảng 10-12k/m2, sơn ngoài trời khoảng 12-18k/m2. Sơn trong nhà thường có áp dụng công thức rất đơn giản: diện tích sàn * 4.3 lần. Thông thường giá tiền công chỉ bằng khoảng ¼ đến ⅕ giá sơn nên mọi người không nên quá so sánh giá cả. Thợ sơn tốt sẽ giúp mình tiết kiệm sơn hơn. Từ đó chi phí có khi còn thấp hơn mà tường lại đẹp hơn.

Đồ nội thất các loại (tủ bếp, kệ tivi, tủ trang trí, giường ngủ, tủ áo, bàn phấn, vách ốp…

Cũng giống như cửa, thường có nhiều lựa chọn như gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp, ván công nghiệp, ván nhựa, nhôm kính & inox, vãi nĩ, da, alu… vật liệu trang trí nội thất rất đa dạng. Nhìn chung, khách hàng chúng tôi hiện nay hay chọn là các dòng ván công nghiệp và ván nhựa với chi phí đầu tư vừa phải, màu sắc đa dạng và thẩm mỹ. Một số khách hàng có điều kiện rất tốt họ thường chọn các dòng gỗ tự nhiên nhập khẩu như: óc chó, sồi mỹ, hương, gõ…

Một hạng mục nội thất mà hầu như mọi người điều quan tâm và tập trung đầu tư cho nó, đó là tủ bếp. Không gian bếp ngày này dần thay đổi theo hướng mở kết nối với phòng ăn và phòng khách. Vì vậy, việc đầu tư tủ bếp đem lại không gian bếp nấu sạch sẽ, gọn gàn, công năng tối ưu và đặc biệt bền và thẩm mỹ cao được đa số khách hàng quan tâm. Các bạn có thể đầu tư cho mình một hệ thống tủ bếp với chất liệu gỗ tự nhiên, ván công nghiệp hay ván nhựa đều được, tùy vào mức đầu tư và gu thẩm mỹ của các bạn. Đừng quên lựa chọn thiết bị bếp phù hợp nhé. Căn bếp sẽ là điểm nhấn của nhà bạn đấy.

Các bạn có thể xem thêm:

Tủ bếp gỗ tự nhiên

Tủ bếp acrylic

Chúc các bạn có những kinh nghiệm xây nhà ở Huế bổ ích! Và đừng quên liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ miễn phí tư vấn thiết kế nội thất tại Huế và nhận ngay báo giá các hạng mục theo yêu cầu.

Công ty TNHH Nội Thất Song Nguyễn

Hotline: 0941712552

Đ/C: 161 Phạm Văn Đồng, Phường Vỹ Dã, TP Huế

 

Bài Viết Liên Quan

Trả lời